Sinh viên từ nước ngoài sang Anh du học, đặc biệt, với những sinh viên phải bỏ tiền học tự túc, chuyện đi làm thêm sẽ giúp đỡ cho họ được ít nhiều đối với những chi tiêu trong cuộc sống tại một đất nước được coi là đắt đỏ nhất thế giới.
Tại Anh, cả sinh viên bản địa lẫn sinh viên quốc tế thường tranh thủ thời gian rảnh rỗi để đi làm thêm các công việc mà họ có thể kiếm được tại nơi mình học tập và sinh sống. Sinh viên Việt Nam có vẻ cũng năng động không kém.
Đỗ Đức Sơn, người biết khá nhiều về các trường hợp sinh viên đi làm, cho biết: “Bên này nhiều người đi làm lắm. Người phục vụ quán ăn, bán bánh cho McDonald, Buger King, người đi làm cho các tổ chức xã hội bằng nghề phiên dịch, phỏng vấn…”
Sinh viên Việt Nam ở Anh có thể làm rất nhiều việc, từ những việc phù hợp với chuyên môn cho đến lao động tay chân. Thời gian cũng rất linh động, từ làm thêm buổi tối, làm thêm cuối tuần…
Vũ Đức Hoàng sang London học từ hệ A-level, tức là trước đại học, tâm sự: “Em qua đây được một năm rồi. Trước kia em từng xin vào làm thêm ở các cửa hàng ăn. Em làm phục vụ ở đấy trong những lúc rảnh để kiếm thêm một chút cho chi tiêu. Thường khi khách vào ăn, hay là đặt bàn cho hôm khác, mình sẽ đưa họ vào bàn hay ghi lại ngày đặt bàn cho người ta. Khách gọi một vài món nào đó, mình phải ghi và phải nghe được để ghi cho đúng món ăn đó rồi đưa vào cho nhà bếp. Một lúc sau mình phải mang món ăn đó ra cho khách. Những ngày cuối tuần có thể không chỉ là một khách mà cùng lúc có rất nhiều người khách vào cửa hàng. Lúc đó rất bận và mệt”.
Một buổi tối người ta có thể trả cho Hoàng 30 đến 35 bảng, tức 4,2 cho đến 5 bảng một tiếng. Em thường chỉ làm vào những ngày cuối tuần vì các ngày trong tuần còn phải tập trung vào việc học.
Các du học sinh đều biết phải lựa chọn để việc đi làm không ảnh hưởng tới việc học hành. Đi làm thêm, ngoài việc kiếm tiền, họ còn nhận được nhiều kinh nghiệm cho sau này, hiểu được việc tự kiếm tiền cho bản thân, hiểu giá trị đồng tiền, qua đó có thể hiểu được bố mẹ phải vất vả như thế nào để có thể nuôi mình ăn học ở bên này.
Câu chuyện làm thêm của sinh viên cao học Đỗ Đức Sơn (đang theo học ngành tài chính ở London) lại khác. Sơn làm cho một công ty của người Việt Nam ở bên này, công việc là coi việc kế toán, quản lý giấy tờ, sổ sách cho họ. Sơn làm suốt cả kỳ cuối tuần. Công việc giúp bạn trang trải cho cuộc sống rất nhiều. Tính ra, đi làm một ngày 10 giờ, tức hai ngày là 20 giờ, vừa đủ số giờ cho phép, nhưng Sơn làm không có hợp đồng gì cả, làm xong nhận tiền mặt luôn. Ngày nào lấy tiền ngày đấy, làm hai ngày nói chung là đủ chi tiêu cho cả tuần.
Việc đi làm thêm cũng ảnh hưởng nhất định đến cuộc sống học tập, sinh hoạt. “Tất nhiên nếu có hai ngày nghỉ ngơi thay vì đi làm thêm thì sang tuần đi học sẽ tốt hơn, nhưng đi làm thì công việc cũng hỗ trợ cho mình trong học tập. Tôi học về tài chính, ngân hàng, cho nên tất cả những vấn đề trong công việc làm thêm cũng là một dịp để thực hành”, Sơn nói với Sài Gòn Giải Phóng.
Chuyện chủ đối đãi thì cũng tùy. Có những chủ có học thức, biết công việc, biết người làm cũng là dân trí thức nên đối xử cũng rất tốt. Nhưng cũng có người coi trọng đồng tiền, họ rất khắt khe, bỏ đồng tiền ra thì cũng muốn thu lại cái gì đó. Nhưng điều quan trọng nhất là tuỳ thuộc vào thái độ làm việc của chính những sinh viên trên đất người.
Sơn nói: “Đi làm thêm rất tốt cho em, tốt cả về mặt tiền bạc, lẫn kiến thức… nhưng nhiều khi chủ nhật, cuối tuần, bạn bè tổ chức đi chơi đâu đó mà mình lại phải đi làm. Những lúc ấy thì tủi thân lắm”.
Xem thêm:
- Thời gian di chuyển xa khiến sinh viên có nhiều khả năng bỏ học hơn
- Lệ phí xin visa du học Úc tăng gấp đôi
- Quy định mới giới hạn giờ làm thêm của sinh viên quốc tế tại Úc
- Ba điểm mới cần lưu ý trong bài thi SAT 2023
- Theo quy định du học sinh được làm thêm bao nhiêu giờ?
- Sinh viên có thể làm thêm khi du học ở Đan Mạch không?