Sống cùng gia đình người bản xứ – homestay – với những khác biệt về văn hóa, lối sống, ngôn ngữ là điều không dễ dàng với những du học sinh bậc THPT.
Sau 2 năm “cùng ăn, cùng sống” với gia đình người bản xứ, Nguyễn Mai Trang, đang là học sinh tại Trường trung học Waiuku College (New Zealand) đã chia sẻ nhiều điều thú vị quanh cuộc sống của mình.
Nói về lý do gia đình mạnh dạn cho “cô con gái rượu” du học khi vừa bước chân vào lớp 10, Mai Trang cho biết New Zealand là quốc gia đầu tiên trên thế giới luật hóa quy chế bảo trợ sinh viên quốc tế. Theo đó, tất cả cơ sở giáo dục có du học sinh theo học phải thường xuyên kiểm duyệt chất lượng homestay một cách kỹ lưỡng để đảm bảo chất lượng sống và bảo vệ quyền lợi cho du học sinh.
Tư đó, sau 2 năm sống homestay, Trang cho rằng đây thật sự là cơ hội rất tốt để mình rèn luyện tiếng Anh. Không những được cải thiện về cách phát âm, ngữ điệu, cách diễn đạt mà còn dễ dàng học được những tiếng “lóng” đặc trưng của người địa phương. Ngoài ra, homestay có thể cho bạn không khí ấm áp của gia đình, xua tan bớt cảm giác cô đơn khi sống xa nhà.
Thấu hiểu về lối sống càng sớm càng tốt
Đã sống như người một nhà thì giữa bạn và gia đình homestay phải có sự thấu hiểu lẫn nhau, đặc biệt về lối sống. Bạn nên chủ động tìm hiểu kỹ về thói quen sinh hoạt, những quy tắc thời gian biểu của gia đình… Đồng thời, bạn cũng nên chia sẻ với chủ nhà về tính cách, lối sống của bạn, nhất là trong khoản ăn uống.
Mai Trang cho hay đã “thổ lộ” với ông bà chủ homestay ngay từ đầu rằng không thể ăn được giá sống và cà chua sống nên trong các bữa ăn, ông bà rất quan tâm. Nhờ có sự thấu hiểu lẫn nhau ngay từ những chi tiết nhỏ sẽ giúp bạn và gia đình homestay tránh được những mâu thuẫn không cần thiết.
Tôn trọng sự khác biệt văn hóa
Đặt chân đến một vùng đất hoàn toàn mới, không ít du học sinh bị sốc vì có những khác biệt quá lớn, chưa kịp thích nghi. New Zealand là một đất nước đa văn hóa, điều đó làm mình khá lo lắng khi phong tục, tập quán của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc là khác nhau. Nhưng chỉ cần nhớ 5 chữ “tôn trọng sự khác biệt” sẽ giúp bạn có được một cuộc sống hòa hợp không chỉ ở homestay mà còn ở trường lớp, nơi bạn gặp gỡ bạn bè đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, “nhập gia tùy tục”, có những thói quen bạn cũng có thể tự thay đổi để thích nghi với đời sống tại xứ người. Làm được hai điều trên sẽ giúp bạn luôn sống hòa hợp với gia chủ.
Đừng ngại nhờ giúp đỡ
Cuộc sống ở xứ người không phải bao giờ cũng thuận lợi. Sẽ có những lúc bạn gặp nhiều vấn đề khó khăn, không tìm được cách giải quyết. Đừng ngại trình bày với gia đình homestay vì một khi đã tiếp nhận bạn, họ đã xem bạn như một thành viên trong gia đình và sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn.
Mai Trang chia sẻ: “Sang New Zealand học khi mới 15 tuổi, vì vậy em có rất nhiều khó khăn, nhất là khi bị ốm. Em nhớ năm ngoái có một lần bị đau bao tử nặng, phải nghỉ học 2 ngày liền. May mà có sự chăm sóc tận tình của ông bà homestay, mình mới nhanh chóng khỏe lại. Sự quan tâm của ông bà đã làm em bớt cảm giác tủi thân khi phải xa nhà trong những lúc như thế”.
Quan sát và học hỏi
Từ việc sống cùng với gia đình bản xứ, du học sinh xứ Kiwi này nói rằng đã học được rất nhiều bài học quý giá, đặc biệt là về tính cách. Trang cho biết, ông bà chủ homestay của mình khá khiêm tốn, rất yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Chính lối sống của ông bà đã luôn nhắc nhở du học sinh như Trang phải không ngừng hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Đặc biệt, Mai Trang “bật mí” kinh nghiệm: Hãy mạnh dạn đặt câu hỏi cho những điều bạn còn thắc mắc về lối sống, cách ứng xử… Gia đình homestay cũng giống như người thân của bạn, sẽ cho bạn những lời khuyên rất chân thành. Đây cũng là cách bạn nối liền sợi dây tình cảm với gia đình homestay đấy.
Theo ThanhNien