Mình vừa có visa đi du học Đức cho chương trình thạc sỹ bằng tiếng anh. Mình ghi lại những kinh nghiệm mình có được để chia sẻ cho những người có cùng chung con đường du học tại Đức, đất nước của Bia, xúc xích, sô cô la…
Hiện có rất nhiều topics chia sẻ bàn luận về vấn đề du học Đức nhưng mình thấy hầu hết chỉ là các topic chia sẻ theo từng khúc mắc, từng giai đoạn chưa có những topic tổng hợp 1 cách đầy đủ nên mình muốn viết bài này từ A tới Z cho mọi người cần kinh nghiệm từ những bước bắt đầu tới bước cuối cùng.
Do kinh nghiệm từ bản thân mình và bạn bè chủ yếu là cho chương trình thạc sỹ bằng tiếng anh, nên mình sẽ chỉ nói về vấn đề này, và đây là kinh nghiệm cá nhân và đúc kết từ thực tế và tìm hiểu nên sẽ có những khác biệt so với các nguồn tài liệu khác, các bạn có thể tham khảo thêm
Mục lục:
A. Các bước cần thực hiện cho du học đức.
B. Chi tiết về từng bước (khó khăn thường gặp và cách giải quyết)
A. CÁC BƯỚC CẦN THỰC HIỆN ĐỂ DU HỌC ĐỨC.
1. Học tiếng
2. Đăng ký thi APS
3. Thi APS
4. Lấy kết quả APS
5. Chuẩn bị hồ sơ nộp xin Admission
6. TÌm trường và nộp hồ sơ
7. Mở tài khoản du học và chứng minh tài chính
8. Xin visa (cách điền đơn)
Sinh viên Việt Nam du học ở Đức
B. CHI TIẾT TỪNG BƯỚC
1. Học tiếng
Các bạn có thể lựa chọn tiếng Anh hoặc Tiếng Đức. Mỗi thứ tiếng thì có những lợi và khó khăn riêng, học tiếng anh thì sẽ dễ dàng hơn là tiếng đức, thời gian học thường ngắn hơn, có thể học ở việt nam đến tận lúc đi, nếu các bạn thay đổi nước du học cũng dễ hơn như Anh hoặc Úc. Học tiếng Đức sẽ dễ giao tiếp với người bản xứ, dễ tìm việc hơn, và tất nhiên đi đức học tiếng đức thì là sẽ rất lợi rồi về việc tìm hiểu văn hóa, tiếp cận với văn hóa của họ.
Học tiếng Anh ở đâu? Có nhiều trung tâm Tiếng Anh uy tín tại việt nam, Các bạn có thể học ở ACET, RES, ACE… chi phí các trung tâm này tương đối cao nhưng được học với người nước ngoài và kỹ năng speaking thường tốt hơn, hoặc các thầy cô dạy tiếng anh ở ngoài. Theo mình các bạn nên học ở các trung tâm trước về ngữ pháp, phát âm, từ vựng, ở trung tâm nhỏ cũng được để lấy nền tảng rồi chuyển sang trung tâm lớn hoặc có thể vào lò luyện thi IELTS ngay nếu trình độ khoảng được 5.0 đến 5.5 (các bạn có thể tham khảo thêm ở đây http://tailieu.vn/doc/bi-kip-tu-hoc-ielts-tu-con-so-0-len-8-0-ngoc-bach-1711586.html )
Học bao lâu?
Việc này tùy thuộc vào mỗi người nhưng các bạn nên setup 1 mục tiêu cụ thể trong 5 tháng hoặc tối đa là 1 năm tùy điểm xuất phát của mỗi người. Hiện nay ở Đức các trường đều yêu cầu mức tối thiểu cho trình độ thạc sỹ là 6.0 (lưu ý 6.0 thì các kỹ năng cũng nên ở mức 6.0 hoặc thấp hơn không quá 0.5 nhưng tốt nhất là nên bằng điểm overall thì sẽ có lợi hơn trong việc xét hồ sơ) nhiều trường có ranking cao hơn thì là 6.5 thậm chí 7.0. Điểm IELTS càng cao thì càng có lợi. Bạn nào có thời gian có thể thi thêm GMAT thì là 1 lợi thế lớn.
2. Đăng ký thi APS
Đây thực chất là 1 cuộc thi do bộ phận kiểm tra học vấn của DSQ tổ chức nhằm mục đích kiểm tra kiến thức của những sinh viên đã tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, Trung Quốc và Mông cổ. 1 năm có 2 kỳ thi vào tháng 5 và tháng 11, các bạn phải đăng ký từ trước đó 3 tháng (đk cuối tháng 2 cho kỳ thi tháng 5 và cuối tháng 8 cho kỳ thi tháng 11) ĐSQ sẽ thông báo cho các bạn trước khoảng 1 tháng của kỳ thi về lịch thi địa điểm thi và kết quả dc trả sau khoảng 2 3 ngày. Tham khảo tại đây:http://www.daadvn.org/vi/21713/
3. Thi APS
Bản chất của việc thi APS là chỉ để kiểm tra kiến thức, không phải ngôn ngữ nên các bạn cần chứng minh được cho người phỏng vấn thấy rằng bạn nắm chắc kiến thức của mình. Có nhiều mẹo để có thể vượt qua kỳ thi dễ dàng, và tỷ lệ người đậu cũng rất cao khoảng 60 70% hoặc hơn.
Cuộc thi gồm 2 phần: người phỏng vấn sẽ gọi bạn vào 1 phòng thi chỉ có mình bạn với vài cuốn từ điển và 1 cái đề thi bạn có khoảng 10 đến 15 phút để làm từ 2 đến 3 câu hỏi, có thể là lý thuyết hoặc bài tập thuộc 2 đến 3 môn trong bảng điểm của bạn.
Phần 2 là phỏng vấn: bạn được gọi sang 1 phòng khác, ở đây có 2 người 1 người sẽ ghi chép và 1 người sẽ hỏi bạn, bạn nên nói chuyện vui vẻ với cả 2 người, phỏng vấn sẽ diễn ra khoảng 15 phút gần giống với thoi gian thi ielts speaking. Họ sẽ hỏi khoảng 2 3 phút đầu về bản thân bạn, vì sao lại thích đi đức (bạn k nên nói là bạn thích đi đức vì bạn thích xem bong đá…vv hãy nên nói là đức có nền giáo dục tốt và tôi thích học ở đức là vì như vậy) sau đó họ sẽ chọn các môn học trong bảng điểm và hỏi bạn, thường là những môn đã hỏi trong tờ đề bạn làm lúc trước đó.
Mẹo là thời gian đã fixed khoảng 15 phút vậy bạn nên kéo dài phần đầu ra 1 chút thì t.gian cho việc hỏi các câu hỏi sẽ ngắn hơn, bạn nên nói chậm rõ ràng vừa kéo tgian mà bạn lại có thể suy nghĩ nhiều hơn, họ cũng dễ hiểu mình hơn. Trong lúc trả lời bạn nên đưa ra các ví dụ cụ thể, càng cụ thể càng tốt, vì thực ra họ đâu có học các chương trình ở việt nam họ đâu thể biết rõ 100% các bạn học gì như thế nào? Vậy ví dụ cụ thể là rất quan trọng, và các bạn cũng có thể chém gió 1 chút trong lúc trả lời nếu trường hợp k biết hoặc biết k rõ (cái này tùy từng trường hợp, chém lung tung mình k có chịu trách nhiệm J )
Hồ sơ nộp để thi APS là những gì bạn nên xem rõ ở Link trên, hoặc có gì vướng mắc có thể hỏi trực tiếp chị Giang email:aps_hanoi@yahoo.com . chị có thể nhận nhiều email và không trả lời kịp, các bạn có thể resend để nhắc chị ấy.
4. Lấy kết quả APS
Nếu bạn đã tới bước này, chúc mừng bạn đã đạt được 1/3 chặng đường rồi. kết quả sẽ được gửi trả cho bạn sau 2 3 ngày phỏng vấn, và sẽ có người bên chuyển phát gửi cho bạn họ sẽ gọi cho bạn trước khi chuyển.
5. Chuẩn bị hồ sơ nộp cho các trường bên Đức
Một năm các trường đại học thường có 2 mùa tuyển sinh, mùa hè (tháng 4) và mùa đông (tháng 10) nhưng thời gian bắt đầu nhận hồ sơ thì sớm hơn thông thường là 15/1 cho kỳ hè và 15/7 cho kỳ đông vì vậy các bạn nên chuẩn bị hồ sơ từ trước đó vì bưu điện gửi sang nhanh nhất cũng là 2 đến 3 ngày. Các bạn chú ý: nhiều trường ở Đức có deadline nộp hồ sơ còn sớm hơn có trường nhận hồ sơ cuối tháng 4 cho kỳ mùa đông. Việc này các bạn cần xem các bạn muốn học những trường nào và note lại hạn nộp hồ sơ để còn nộp cho kịp.
Một bộ hồ sơ đầy đủ thường bao gồm:
· Application form (khi đăng ký online sẽ nhận dc qua email, hoặc down từ web của uni)
· Bằng tốt nghiệp cấp 3 (dịch công chứng)
· Bằng đại học (dịch công chứng)
· Bảng điểm đại học (dịch công chứng)
· Chứng chỉ tiếng anh
· APS (bản gốc)
· CVs
· Motivation letter
· Recommendation letter (2)
· Passport (công chứng)
· Ảnh hộ chiếu (chụp tại 42 Hai Bà Trưng) (1 cái)
6. Tìm trường và nộp hồ sơ
Các bạn có thể tìm tại web của DAAD
https://www.daad.de/deutschland/studienangebote/international-programs/en/
hoặc ở đây
http://www.best-masters.com/
http://www.ger-net.de/kuehn/fk_uni.htm
http://www.masterstudies.vn/Master/
hoặc bản đồ các trường đại học ở Đức (khoảng hơn 300 trường)
http://www.masterstudies.vn/Đức/ các bạn gõ vào web từng trường để tim ngành học.
Nộp hồ sơ : Ngoài chú ý về deadline hồ sơ thì các bạn còn nên chú ý vấn đề sau: nộp qua uni assist hay không? Việc nộp qua uni assist mình chưa làm nhưng có nhiều topics hướng dẫn đã cụ thể, các bạn có thể tìm hiểu.
Chuyển qua bưu điện chuyển phát chậm mất khoảng 2 3 tuần chậm nhất là 4 tuần nhưng phí rẻ có 90k
Chuyển nhanh EMS, DHL… thì phí cao khoảng 900 trở lên tới hơn 1 triệu
Các bạn nên tìm 1 vài người cùng có nhu cầu nộp hồ sơ tới trường đó để nộp cùng và cùng giúp đỡ nhau và còn share tiền nữa, sẽ rất là thuận tiện và có nhiều lợi ích. Hoặc gửi cho người thân 1 loạt hồ sơ rồi sang đó họ sẽ gửi tới trường cho mình để tiết kiệm chi phí.
7. Mở tài khoản chứng minh tài chính
Các ban nên mở tài khoản Ngân hàng Đức để cho thuận tiện việc dùng tài khoản sau này:
So sánh 2 ngân hàng: http://www.daadvn.org/vi/21724/
Thủ tục mở ngân hàng đức: http://www.daadvn.org/vi/22255/
Việc chứng thực chữ ký cần phải lên đại sứ quán: bạn cần 1 lịch hẹn được book online trên web ở trên và họ chỉ giải quyết vấn đề chứng thực từ 8h30 tới 9h30 vì vậy trong khoảng thời gian này bạn phải để ý để được gọi lên, hoặc yêu cầu dc giải quyết, quá thời gian này họ mà quên không gọi bạn sẽ phải về book lại 1 lịch khác. Nếu trường hợp book lại sẽ bị trùng số passport bạn nên chú ý mẹo sau: Bỏ bớt chữ B đứng đầu trong dãy số passport.
Khi nộp tiền vào tài khoản các bạn chú ý là nộp tối thiểu 8.090 euro nhé, vì trong đó tối thiểu là 8.040 trong tài khoản và 50 cho phía bên ngân hàng. (Viettinbank thì chỉ cần 8.040 euro)
8. Xin visa
Việc xin visa cũng giống như chứng thực chữ ký, bạn cũng cần đặt trước 1 lịch hẹn với bên đại sứ quán, và bạn nên đặt trước lịch so với ngày bay tối thiểu 1 tháng (có nghĩa là thời điểm bạn đặt lịch có thể là trước lịch bay dự kiến từ 1 tháng rưỡi tới 2 tháng, vì vào đợt cao điểm số lượng người đặt lịch hẹn là rất lớn, đặt lịch ngay cả trong trường hợp bạn chưa có admission (trường nào có khả năng được zulassung thì cứ điền tạm tên trường đó vào trong khi book lịch, tới khi nộp nộp trường khác cũng không sao)). Ngày nộp hồ sơ không phải là ngày phỏng vấn nên các bạn cứ thoải mái lên nộp hồ sơ, chỉ cần chuẩn bị tiền và giấy tờ đầy đủ. Việc điền giấy tờ cũng khá đơn giản, có nhiều bài viết hướng dẫn cụ thể vấn đề này.
Hướng dẫn đăng ký lịch hẹn online
http://www.go2fair.com/vn/km/data/2012/01/Dat-lich-hen-va-hs-xin-visa.pdf
Hướng dẫn điền đơn
http://dhd.vn/threads/huong-dan-dien-don-xin-visa-du-hoc-duc.94/
Đơn mẫu
http://www.mediafire.com/download/2ywc83ixidqi88k/Antragformular_Visa_langfristiger_Aufenthalt 1.pdf