Đối với nhiều bạn trẻ, được nhận học bổng vào các trường đại học danh tiếng trên thế giới đã khó, việc làm thế nào để hoàn thành chương trình học với kết quả tốt nhất càng thử thách gấp nhiều lần.
Bạn Trịnh Thị Hằng – giành học bổng toàn phần ASEAN Award 2015 của chính phủ New Zealand, vừa tốt nghiệp thạc sĩ phát triển ĐH Victoria, New Zealand – chia sẻ một số gợi ý học tập, nghiên cứu của bản thân.
Bạn Trịnh Thị Hằng (thứ tư từ trái sang) chụp hình lưu niệm cùng bạn bè quốc tế tại New Zealand
Nỗ lực rèn tính tự học
Hằng cho biết đối với sinh viên cao học hoặc nghiên cứu sinh tại nước ngoài, phương pháp học tập chủ yếu là tự học. Vì vậy người học phải tìm được môi trường học tập tốt, không khiến họ bị phân tâm và có thể kích thích đam mê tự học, tự chủ động nghiên cứu, kích thích tư duy phản biện của bản thân…
Ngoài những kiến thức cơ bản trong sách, sinh viên thường được khuyến khích tìm hiểu sâu thông qua các hoạt động thực tế, nghiên cứu và thí nghiệm… từ đó mọi người “thẩm thấu” kiến thức nhanh và nhớ lâu hơn, có động lực mạnh mẽ để tiếp tục tìm tòi, học hỏi.
Tìm người hướng dẫn nhiệt tình
Theo Hằng, vai trò của người hướng dẫn là một yếu tố rất quan trọng, đặc biệt là với những bạn trẻ chưa quen nghiên cứu độc lập như những bạn đến từ Việt Nam. Người hướng dẫn kiến thức uyên bác, nhiệt tình, khai phóng thì học viên có nhiều điều kiện trao đổi, tìm hiểu và mở mang đầu óc hơn.
Hằng cho biết quá trình hoàn thành đề tài của bạn ở xứ sở Kiwi khá thuận lợi vì chương trình có tài liệu học khá dồi dào, bên cạnh đó các giáo viên hướng dẫn thân thiện, có kiến thức đa dạng và luôn chịu khó cập nhật những kiến thức chuyên môn.
Học thầy không tày học bạn
Theo đánh giá của Hằng, việc học tập trong một môi trường đa văn hóa sẽ giúp người học mở mang tư duy, có thêm động lực phấn đấu, cạnh tranh học tập một phần vì tinh thần dân tộc. Nên lưu ý việc tìm và kết bạn với những bạn học có trải nghiệm, từng làm việc trong các lĩnh vực khác vì cả hai có thể góp ý khách quan, bổ sung sự đa dạng về mặt ý tưởng cho nghiên cứu của nhau.
Bên cạnh đó, kết bạn với những bạn học đến từ nhiều nền văn hóa sẽ giúp góc nhìn của chúng ta có thêm sắc màu, học hỏi được nhiều điều thông qua những điều nhỏ như mời dùng ẩm thực truyền thống của mỗi nước đến văn hóa, âm nhạc…
Hằng cho biết nhờ những điều trên mà bạn đã tìm được nguồn động viên, cảm hứng dồi dào và năng lượng vô cùng tích cực để vượt qua năm làm luận văn thật vui và khó quên.
Nguồn tài liệu phong phú
Để có thể học tập, làm nghiên cứu tốt khi đi du học, đòi hỏi tiên quyết là người học phải đọc rất nhiều và biết cách đọc có chọn lọc. Chỉ cần lựa chọn và tận dụng hợp lý, những tài liệu quý giá có thể mang người học đi xa hơn về tư duy, tầm nhìn.
Các cường quốc giáo dục như New Zealand thường có ưu điểm là sinh viên ở đây được tiếp cận với những tư liệu học tập tốt nhất thông qua thư viện, thư viện điện tử…
Hằng cho biết việc mượn tài liệu ở các quốc gia đã phát triển tương đối đơn giản nên cần tận dụng tối đa lợi ích này. Nếu bạn cần sách hay tài liệu nào đó nhưng thư viện không có thì nên mạnh dạn gửi yêu cầu đến thư viện. Thông thường thư viện sẽ đặt mua và báo cho bạn biết khi sách bạn yêu cầu về đến thư viện.